Nuôi dạy con theo triết lý Montessori ở nhà có vẻ rất khó khăn. Các chuyên gia đều được đào tạo chuyên sâu trong lĩnh vực này, vì vậy bạn đã bao giờ đặt câu hỏi “Làm sao để áp dụng phương pháp Montessori vào việc dạy con tại nhà khi không được đào tạo chuyên sâu về nó?”
Dưới đây là 6 yếu tố của triết lý Montessori ba mẹ có thể áp dụng hàng ngày để tương tác với trẻ nhỏ
Tôn trọng con trẻ như tôn trọng một người lớn
Chúng ta tôn trọng người già, tôn trọng người bạn đời, nhưng suy nghĩ tôn trọng trẻ em thì nghe có vẻ rất lạ lẫm. Suy cho cùng, trẻ con thấy thế giới này rất mới mẻ. Và đó chính là lí do chúng ta phải cho trẻ nhỏ thấy được sự tôn trọng trong các tương tác hàng ngày. Chúng sẽ cảm thấy được lắng nghe, được yêu thương và dần dần chúng sẽ học được cách tôn trọng người khác qua tấm gương của bạn.
Ví dụ, nếu con bạn muốn được bạn chú ý hay giúp đỡ, mà bạn lại nói con chờ, thì hãy đảm bảo là bạn sẽ quay lại với con khi bạn xong việc. Hãy nói với con rằng “Cảm ơn đã đợi mẹ, mẹ có thể giúp gì được cho con?” – điều này sẽ cho bé thấy rằng bạn tôn trọng những gì bé nói.
Một điều nữa ba mẹ nên nhớ rằng đừng trách mắng con khi không cần thiết. Đến người lớn cũng có những lúc làm sai việc này làm sai việc kia, thế nên đừng chưa hiểu rõ sự tình đã la mắng hay trách móc con. Đặc biệt không la mắng con trước mặt nhiều người khác vì điều này sẽ khiến con thấy tự ti, xấu hổ và cảm thấy tổn thương danh dự.
Thúc đẩy sự tự do và độc lập của con bạn
Khi thực sự quan tâm đến một đứa trẻ hoặc các thành viên trong gia đình, thật khó khăn khi nhìn thấy họ tự vật lộn, gắng sức – lúc này chúng ta thường sẽ muốn nhảy vào giúp đỡ.Tuy nhiên việc này không phải lúc nào cũng hữu ích cho quá trình học hỏi của trẻ nhỏ, cho sự tự tin và động lực bên trong của chúng.
Hầu hết các tài liệu sử dụng trong một lớp học theo phương pháp Montessori đều được thiết kế để cho phép bé có thể sử dụng một cách tự lập, bao gồm cả khu vực bếp và phòng vệ sinh. Trên thực tế trẻ em rất thích tự kiểm soát và tự làm các việc làm cơ bản như rửa tay hay đi vệ sinh.
Khi ở nhà, cha mẹ hãy tạo ra những khu vực mà trẻ có thể tự tiếp cận. Ví dụ như ngăn chứa đồ snack ở tầng thấp, móc treo áo khoác ở vị trí thấp mà bé có thể với tới, … Hãy động viên con tự làm một số việc như tự thay quần áo, tự đi giầy và khi trẻ không biết hay làm sai, ba mẹ đừng trách con mà hãy chỉ bảo cho con tận tình để bé làm lại.
Trao cho con sự tự do – trong một giới hạn nào đó
“Tự do nhưng có giới hạn” là một khái niệm Montessori rất tinh tế. Nó có nghĩa là bạn cho phép con tự dẫn dắt các hoạt động hàng ngày dựa trên sở thích của chính mình nhưng có giới hạn. Và việc đặt ra giới hạn này rất quan trọng vì nó sẽ giúp bé hiểu được việc làm nào có thể chấp nhận được và việc nào thì không. Bất kì hành động nào gây tổn thương bản thân hay người khác sẽ là 1 ví dụ về thời điểm cần đặt ra giới hạn.
Một ví dụ dễ hiểu như bạn cho phép con chơi đùa tự do nhưng chỉ trong phạm vi sân vườn nhà mà thôi.
Sống chậm và cho con bạn không gian
Một yếu tố của phương pháp Montessori mà ba mẹ có thể áp dụng tại nhà là cho con bạn nhiều không gian và thời gian để khám phá. Trẻ em có đồng hồ sinh hoạt khác với người lớn, đừng thúc giục bé mà hãy để cho bé có đủ thời gian để cẩn thận đánh giá, tìm hiểu sự việc.
Sử dụng những từ ngữ “mới” – thậm chí là đối với trẻ nhỏ
Sử dụng “từ ngữ mới” không phải là ý tưởng độc quyền của phương pháp Montessori, nhưng nó được sử dụng hàng ngày trong các lớp học.
Ba mẹ có thể bắt đầu kết hợp sử dung những từ ngữ mới ở nhà. Trẻ con sẽ đoán được nghĩa của những từ mới thông qua những manh mối theo ngữ cảnh hoặc bằng cách hỏi bạn “ điều đó có nghĩa là gì vậy mẹ?”. Con bạn sẽ nhanh chóng học và sử dụng được nguồn từ ngữ mô tả phong phú trong cuộc sống hàng ngày.
Đừng hạn chế sử dụng từ ngữ khi nói chuyện với bé. Nếu một chiếc xe tải thực sự rất lớn, hãy sử dụng những từ như “khổng lồ” “vĩ đại” khi mô tả nó.
Hãy luôn quan sát con của mình
Cuối cùng, phương pháp Montessori nhắc nhở các ông bố bà mẹ rằng hãy dành thời gian để quan sát con cái mình. Trong các lớp học, các chuyên gia dành rất nhiều thời gian để quan sát cách học trò của mình tương tác với các tài liệu và với nhau như thế nào. Điều này giúp các chuyên gia có cái nhìn chuyên sâu về tính cách độc đáo và phức tạp của mỗi đứa trẻ.
Ví dụ: Hãy quan sát khi con bạn đang chơi đùa. Quan sát điều gì thực sự làm con bạn vui, điều gì khiến con bạn tức giận hay con bạn dễ chán nản khi làm việc gì. Khi biết được điều này bạn sẽ dễ dàng tạo ra các trò chơi cho con bạn khi ở nhà.
Phương pháp giáo dục Montessori phù hợp nhất khi áp dụng ở trường lớp, nhưng không có nghĩa là bạn không sử dụng được khi ở nhà. Qua một số tips ở trên, bạn sẽ dễ dàng tạo ra một môi trường đầy sự quan tâm và hỗ trợ dành cho con của mình, giúp con của mình học được nhiều hơn, tự lập nhiều hơn, góp phần tạo nên một gia đình đầy hạnh phúc.