Trong giai đoạn ăn dặm, các bà mẹ thường đau đầu khi lựa chọn phương pháp ăn dặm nào phù hợp để giúp bé ăn ngon mà lại hấp thụ tốt. Trong đó, phương pháp ăn dặm kiểu Nhật được nhiều mẹ đón nhận, thay vì ăn dặm kiểu truyền thống.
Trong bài viết sau, Vinaquick sẽ chia sẽ cho các mẹ về phương pháp ăn dặm kiểu Nhật cũng như có nên cho con ăn dặm kiểu Nhật hay không.
Phương pháp ăn dặm kiểu Nhật là gì?
Phương pháp ăn dặm kiểu Nhật là phương pháp kết hợp nhiều loại thực phẩm khác nhau để tạo nên thực đơn ăn dặm đa dạng, ngon miệng và phù hợp với mỗi giai đoạn phát triển của trẻ nhỏ. Qua đó, kích thích trẻ ăn ngon, tiêu hóa tốt và hấp thu đầy đủ chất dinh dưỡng.
Cách nấu ăn dặm kiểu Nhật là bạn không dùng cối xay khi chế biến thức ăn. Thay vào đó, mẹ sẽ dùng cối và rây để nghiền mịn thức ăn. Giúp bé dễ dang nuốt và cảm nhận được trọn vẹn hương vị, mùi vị của thức ăn.
Các giai đoạn ăn dặm kiểu Nhật
Thông thường, ăn dặm kiểu Nhật sẽ chia thành 4 giai đoạn, tương ứng với từng giai đoạn phát triển kỹ năng ăn uống của bé. 4 giai đoạn bao gồm:
Giai đoạn Gokkun (5-6 tháng tuổi)
Đây là giai đoạn bé bắt đầu làm quen với thức ăn đặc, kỹ năng chủ yếu là nuốt. Do đó, giai đoạn này, mẹ chủ yếu tập cho bé ăn bằng thìa và làm quen với mùi vị của thức ăn đặc khác ngoài sữa. Thức ăn trong giai đoạn này cũng cần phải mềm, mịn và lỏng để bé có thể dễ dàng nuốt thức ăn.
Giai đoạn MoguMogu (7-8 tháng tuổi)
Giai đoạn này, lưỡi bắt đầu tham gia vào hoạt động làm mềm thức ăn. Không chỉ giúp đẩy thức ăn từ khoang miệng xuống họng, lưỡi của trẻ giai đoạn này cũng bắt đầu kết hợp với hàm trên để nghiền thức ăn.
Do đó, khi bắt đầu giai đoạn này, mẹ có thể cho bé ăn dặm nhiều hơn, có thể ăn cả những mẩu thức ăn nhỏ bên trong để kỹ năng ăn uống của bé được phát triển.
Giai đoạn KamiKami (9-11 tháng tuổi)
Giai đoạn này bé hoàn toàn có thể nhai thức ăn bằng nướu. Vì vậy, mẹ nên nấu thức ăn thật mềm (tương đương với độ mềm của quả chuối) để bé dễ tiêu hóa. Với một số món như trái cây hay rau, củ, quả, mẹ có thể để nguyên que để bé rèn luyện kỹ năng gắp.
Giai đoạn PakuPaku (12-18 tháng)
Lúc này bé đã mọc nhiều răng hơn, có thể nhai và nuốt dễ dàng. Trong giai đoạn này, bé bắt đầu tập cắn thức ăn bằng răng cửa. Vì vậy, mẹ nên quan sát để điều chỉnh độ cứng của thức ăn cho phù hợp với bé. Thức ăn của bé giai đoạn này không cần nấu mềm như trước. Các mẹ có thể bắt đầu dạy con cách xúc thức ăn bằng thìa để rèn luyện tính tự lập.
Những loại thực phẩm khi cho bé ăn dặm kiểu Nhật
Rau củ quả nghiền, hấp, luộc
Thông thường, trong tháng đầu ăn dặm, mẹ chỉ nên cho bé làm quen với rau củ quả bằng cách xay nhuyễn, hấp hoặc luộc để giữ nguyên mùi vị và giá trị dinh dưỡng. Rau củ quả chứa nhiều chất xơ nên sẽ giúp hệ tiêu hóa của bé hoạt động hiệu quả, tránh táo bón.
Không thêm gia vị
Không chỉ với phương pháp ăn dặm kiểu Nhật mà với bất kỳ phương pháp ăn dặm nào trẻ dưới 1 tuổi cũng không nên thêm gia vị vào thức ăn của trẻ. Dù chế biến theo cách nào thì cũng nên tăng cường hương vị tự nhiên của thức ăn để bé cảm nhận rõ ràng.
Từ đó giúp bé làm quen với nhiều mùi vị mới ngoài sữa mẹ mà vẫn đảm bảo an toàn cho đường ruột và hệ tiêu hóa.
Các món cháo với nước dashi
Trong ăn dặm kiểu Nhật, dashi là loại nước dùng không thể thiếu. Mẹ có thể sử dụng 4 - 5 loại rau củ quả khác nhau hoặc kết hợp rau củ với cá bào, rong biển để làm nước dashi cho bé.
Cách thực hiện cũng vô cùng đơn giản, bạn chỉ cần rửa sạch các loại rau củ quả sau đó cắt khúc rồi cho vào nồi đun sôi với nước khoảng 30 phút. Phần nước dùng này chính là nước dashi dùng để nấu súp hoặc trộn vào cháo, bột cho bé ăn dặm. Để bảo quản nước dashi, bạn cho vào khay nhựa hoặc silicone có nắp đậy, cất vào ngăn đá tủ lạnh.
Ưu điểm của phương pháp ăn dặm kiểu Nhật
Khả năng ăn thô sớm
Ngay từ khi bắt đầu ăn dặm, bé đã quen với thức ăn thô. Có nghĩa là bé sẽ ăn dặm ngay bằng cháo loãng nấu theo tỷ lệ 1:10 (1 gạo, 10 nước) rồi cho qua lưới thay vì ăn bột. Độ thô cũng như đặc của món ăn sẽ tăng dần theo độ tuổi của bé.
Ăn thô sớm sẽ giúp bé học phản xạ nhai và nuốt tốt nhất. Tránh tình trạng trẻ chỉ biết nuốt, ăn một cách thụ động khi ăn bất cứ thứ gì, điều này khiến trẻ dễ bị nôn trớ, sặc rất nguy hiểm.
Nhận biết được mùi vị
Một trong những ưu điểm lớn nhất của ăn dặm kiểu Nhật là giúp bé nhận biết mùi vị của các loại thức ăn khác nhau. Theo đó, khi chế biến thức ăn cho bé, mẹ sẽ nấu riêng từng món và không trộn lẫn vào nhau.
Ngoài ra, điều này còn giúp trẻ sớm hình thành sở thích về đồ ăn. Khi đó, bất cứ món ăn nào bạn thích, bé sẽ vui vẻ ăn thật nhiều. Đồng thời bé cũng sẵn sàng từ chối những món ăn không hợp khẩu vị của mình. Điều này cũng giúp mẹ biết bé có thể bị dị ứng với thức ăn nào hay không.
An toàn cho sức khỏe
Các bà mẹ Nhật thường sẽ không thêm bất kỳ loại gia vị nào khác vào thức ăn của trẻ khi bắt đầu ăn dặm, hoặc chỉ thêm rất ít muối, bằng khoảng 1/4 khẩu phần ăn của người lớn. Trẻ có thói quen ăn nhạt ngay từ đầu sẽ giúp bảo vệ thận, không bắt thận phải “làm việc” quá sức.
Khẩu phần ăn của bé luôn đảm bảo đủ 3 nhóm thực phẩm: tinh bột, vitamin và đạm theo tiêu chuẩn “vàng-đỏ-xanh”. Cung cấp đầy đủ các dưỡng chất cần thiết giúp bé phát triển một cách toàn diện.
Nhược điểm của phương pháp ăn dặm kiểu Nhật
Mất nhiều thời gian
Có thể nói, ăn dặm kiểu Nhật thường tiêu tốn của mẹ rất nhiều thời gian và công sức ngay từ khâu lên thực đơn, chuẩn bị nguyên liệu cho đến cách chế biến. Các món ăn của bé cần đúng khoa học theo từng tỷ lệ, phù hợp với từng giai đoạn phát triển và phải luân phiên thường xuyên giúp bé không cảm thấy ngán.
Chi phí đầu tư cao
Để thuận tiện cho việc chuẩn bị bữa ăn cho bé, mẹ cần trang bị cho mình bộ dụng cụ chế biến ăn dặm kiểu Nhật với nhiều dụng cụ khác nhau như đĩa xay, ray, chày nghiền, dụng cụ nạo, bát, thìa,… Ngoài ra , có nồi áp suất nấu cháo.
Trẻ không ăn được nhiều
Phương pháp này dựa trên sự tôn trọng con nên khi bé không muốn ăn, mẹ sẽ dừng ngay, không cần cố ép. Do đó, trong giai đoạn đầu, bé có thể không tăng cân nhanh như phương pháp ăn dặm truyền thống.
Kết luận
Tóm lại, phương pháp ăn dặm kiểu Nhật là một phương pháp mang lại, giúp cho bé ăn ngon, tiêu hóa tốt, nhận biết được mùi vị. Bởi vậy những lợi ích trên, các mẹ cần cố gắng kiên trì thực hiện những món ăn phù hợp theo sở thích của bé, để bé có những trải nghiệm tuyệt vời khi ăn. Hy vọng qua bài viết trên đã giúp mẹ có thể trả lời được câu hỏi "có nên cho con ăn dặm kiểu Nhật".